Dự án xây đập của Trung Quốc có thể ‘bức tử’ dòng sông lớn nhất Myanmar
![]() |
Jar Lie, người phải sơ tán do kế hoạch xây đập Myitsone. Ảnh: BBC. |
“Tôi vẫn luôn bật khóc mỗi khi nói về con đập”, Jar Lie, một nông dân buộc phải từ bỏ nhà cửa, ruộng vườn để chuyển tới ngôi làng tái định cư do kế hoạch xây dựng đập Myitsone, cho biết.
8 năm trước, Jar Lie bỏ lại khu đất nông nghiệp rộng 40 hecta và chuyển đến một ngôi làng tái định cư ở Aung Myin Tha, cách nhà cũ khoảng 9 km. Mảnh đất của bà bị ngập hoàn toàn do hồ chứa lớn được xây dựng để phục vụ kế hoạch xây đập Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD tại sông Irrawaddy. Ngôi làng Jar Lie chuyển đến có bệnh viện, trường học và những con đường nhựa được xây dựng bởi nhà thầu thi công con đập, Tập đoàn Đầu tư Điện lực Bắc Kinh (SPIC).
“Trước kia chúng tôi có thể tự cung tự cấp, không cần phải mua bán bất cứ thứ gì. Tuy nhiên ở đây không có đất, chúng tôi không thể làm gì, cũng chẳng biết cách kiếm tiền. Cuộc sống ở đây khiến tôi mệt mỏi”, Jar Lie cho biết, nói thêm rằng cuộc sống không có đất canh tác rất khó khăn với nông dân.
Myitsone là công trình lớn nhất trong 7 đập thủy điện được SPIC cam kết xây dựng trong khu vực, với lời hứa cung cấp cho quốc gia đang phát triển thần tốc như Myanmar nguồn điện năng cần thiết. Người ta ước tính rằng đập thủy điện này sẽ tạo ra lượng điện nhiều hơn tổng điện năng Myanmar đang sản xuất.
Bản hợp đồng trị giá 3,6 tỷ USD mà SPIC ký với chính quyền quân đội cũ chưa từng được công bố, nhưng vào tháng 5, cựu lãnh đạo Công ty Điện lực nhà nước Myanmar U Maw Thar Htwe tiết lộ phần “gây sốc” nhất của thỏa thuận, rằng 90% lượng điện do con đập tạo ra sẽ được đưa trở lại Trung Quốc. U Maw Thar Htwe cho biết chính phủ sẽ nhận được 10% cổ phần nhưng chỉ thu được lợi tức sau khoảng 20 năm khi đập bắt đầu hoạt động.
![]() |
Bản vẽ dự án xây dựng đập Myitsone bị treo từ năm 2011. Ảnh: Facebook |
Ngay từ khi kế hoạch xây đập Myitsone được công bố, đã có rất nhiều nghi ngờ về việc ai được hưởng lợi từ dự án này. Con sông Irrawaddy dài nhất Myanmar luôn được xem như huyết mạch của đất nước và khu vực Myitsone chính là quê hương của người Kachin. Việc xây dựng đập ở khu vực này sẽ buộc thêm hàng nghìn người dân phải sơ tán do các chuyên gia môi trường cho rằng nó có thể làm ngập một khu vực có diện tích rộng bằng Singapore.
“Chúng ta sẽ mất khu vực đầu nguồn quan trọng và làm ngập một số khu rừng ở hạ lưu, trong đó có các khu rừng rậm đa dạng sinh học. Con đập sẽ có tác động rất lớn tới khu vực hạ lưu, thay đổi con nước của dòng sông và ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người. Nó có thể sẽ giết chết dòng sông Irrawaddy “, tiến sĩ Myint Zaw, chuyên gia môi trường của Myanmar, cảnh báo.
Năm 2011, các cuộc biểu tình chống dự án xây đập Myitsone đã nổ ra khắp Myanmar. Trước sức ép mạnh mẽ của người dân, chính quyền buộc phải nhượng bộ và dừng dự án. Từ đó tới nay, không công trình nào được xây dựng quanh con đập.
Sau 8 năm yên ắng, Trung Quốc gần đây đang tìm cách tái khởi động dự án xây đập trên dòng sông lớn nhất Myanmar bằng việc thuyết phục người dân địa phương và các quan chức chính phủ.
Tháng 12 năm ngoái, trong chuyến thăm Kachin, Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Hong Liang khẳng định dự án Myitsone có ý nghĩa quan trọng đối với cả Trung Quốc và Myanmar, việc trì hoãn dự án sẽ cản trở mối quan hệ song phương giữa hai nước.
Hồi tháng 6, một nhóm chuyên gia Trung Quốc đã cố gắng trấn an các nhà lập pháp bang Kachin về tác động môi trường của con đập, trong khi SPIC khẳng định mục đích xây đập nhằm “cung cấp nguồn điện sạch, hiệu quả và bền vững cho sự phát triển của Myanmar”.
Khi còn là nhà hoạt động đối lập, bà Aung San Suu Kyi đã lên tiếng chống lại việc xây dựng đập Myitsone, song bà thay đổi quan điểm kể từ khi giành chiến thắng sau cuộc bầu cử năm 2015. Bà Suu Kyi nói rằng các thỏa thuận được thực hiện dưới thời chính phủ quân sự cũ nên được tôn trọng.
“Chúng ta cần phải giữ lời hứa vì vị thế của đất nước và niềm tin của thế giới. Chúng ta không thể tự ý làm những điều chúng ta muốn đối với các dự án có từ trước khi chúng ta lên nắm quyền. Nếu hành xử như vậy, chúng ta sẽ mất tín nhiệm và một khi thế giới không muốn hợp tác nữa, đất nước chúng ta sẽ chịu tác động lớn”, bà Suu Kyi đưa ra bình luận hiếm hoi về việc xây đập Myitsone hồi đầu năm.
![]() |
Người dân Myanmar xuống đường phản đối việc xây đập Myitsone hồi tháng 4. Ảnh: BBC. |
Cuối tháng 4, khi bà Suu Kyi đang tham dự một hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh về đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, hàng nghìn người Myanmar xuống đường để yêu cầu hủy bỏ dự án xây đập.
“Nhiều người phản đối con đập, nhưng vai trò của Trung Quốc tại Myanmar rất lớn, vì vậy họ cần xem xét tất cả các yếu tố này. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất Myanmar, nếu không có sự đầu tư của họ, liệu có thể tiếp tục được hay không”, nhà phân tích Khun Htoi, người nghiên cứu về quan hệ Trung Quốc – Myanmar, cho biết nếu chính phủ hủy bỏ hoàn toàn dự án, họ có thể phải bồi thường 800 triệu USD Trung Quốc đã đầu tư trước đó.
Đối với người dân Kachin, họ quan tâm việc Irrawaddy được tự do xuôi theo dòng chảy hơn là vấn đề kinh tế.
“Hãy nhìn nơi tuyệt đẹp này, dòng sông, những cánh rừng và những ngọn núi. Nếu dự án xây đập được thông qua, chúng ta sẽ không thấy cảnh quan này nữa. Chúng tôi muốn dừng việc xây dựng, hãy để dòng sông Irrawaddy tự do chảy mãi mãi. Chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ nó”, Lu Ra, một ca sĩ địa phương, chia sẻ.
Ngọc Ánh (Theo BBC)
- Bí thư Vương Đình Huệ: “Đại sứ Hàn Quốc hỏi Hà Nội có kỳ tích sông Hồng không… phải có quy hoạch phát triển”
- Vụ phụ huynh giật tóc, tát vào mặt bé 2 tuổi: Gia đình không chấp nhận xin lỗi, muốn xử nghiêm
- Công an Điện Biên thông tin ban đầu về cô dâu bùng 150 mâm cỗ cưới “gây bão” MXH
- Thị trường bất động sản công nghiệp: Sẽ có xu hướng xây nhà kho nhiều tầng
- Thân Thị Ngọc “Kinh doanh với bất cứ ai không hề dễ dàng, bạn phải sẵn sàng dẫm lên gai hoa hồng để gặt hái thành công sau này”
- KHÔNG CAM CHỊU SỐ PHẬN CÔ BÉ CÔNG NHÂN CÓ THU NHẬP ỔN ĐỊNH TỪ KINH DOANH ONLINE
- Lưu Bích Nguyệt – “Người đốt đuốc” soi đường cho WLIN Pearls Việt Nam
- Doanh nhân Nguyễn Quỳnh “Suy nghĩ tích cực sẽ mang thành công đến với bạn”
- Vừa làm du lịch vừa giỏi kinh doanh, Nguyễn Hiếu khiến nhiều người nể phục
- Soo Young – Thương hiệu mỹ phẩm Việt được phái nữ “săn đón”
- Vic Organic tổ chức tri ân hệ thống bằng kỳ nghỉ hoành tráng tại Phan Thiết
- Khánh thành nhà máy sản xuất mỹ phẩm soHERBS đạt chuẩn ISO 9001 – 2015
- “CC.WHITE Tour” – Hành trình xuyên Việt truyền năng lượng và kiến thức
- Vụ thiếu nữ 15 tuổi tử vong vì bị bạn trai tẩm xăng đốt: Chị gái khóc hết nước mắt, cố nén nỗi đau để lo hậu sự cho em
- Sau ZTE Axon 20 5G và Vsmart Aris Pro, đây là smartphone tiếp theo với camera ẩn dưới màn hình được ra mắt
- Elon Musk cấy chip vào não heo thành công. Liệu sau này AI có thể dùng động vật để chống lại con người không?
- VPBank Hanoi Marathon ASEAN 2020 chính thức trở thành sự kiện của năm Chủ tịch ASEAN 2020
- Cô gái từ Nhật về trở thành bệnh nhân Covid-19 mới của Việt Nam
- Bí thư Vương Đình Huệ: “Đại sứ Hàn Quốc hỏi Hà Nội có kỳ tích sông Hồng không… phải có quy hoạch phát triển”
- Đứng lên phát biểu bị bạn cùng lớp đặt bút bi dưới ghế, nam sinh nhập viện vì chấn thương tầng sinh môn
- Nestlé Việt Nam lần thứ 2 được vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”
- Che miệng bằng khuỷu tay khi ho có hiệu quả không? Nghiên cứu này đã có lời giải đáp
- Nguyên nhân ban đầu vụ nữ giáo viên cùng thai tử vong khi sinh
- Vụ phụ huynh giật tóc, tát vào mặt bé 2 tuổi: Gia đình không chấp nhận xin lỗi, muốn xử nghiêm
- Cô dâu “bom” 150 mâm cỗ ở Điện Biên từng là sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chưa có tiền án tiền sự
- NMLD Dung Quất – Hành trình 51 ngày bảo dưỡng tổng thể
- Chuyên gia nói gì về nhận định “đây là thời điểm tốt để mua vàng”?
- Công an Điện Biên thông tin ban đầu về cô dâu bùng 150 mâm cỗ cưới “gây bão” MXH
- YouTube tái cho phép người dùng sử dụng tính năng Picture-in-Picture trên iOS 14